Hiểu rõ về công nghiệp phụ trợ ôtô 16/3/2022

Ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất mọi loại chi tiết của xe rồi tập hợp lại lắp ghép thành ôtô.

Đọc bài về công nghiệp phụ trợ cho xe hơi của độc giả Phạm Vũ Đức, tôi thấy có vẻ như doanh nghiệp đi sai hướng. Công nghiệp phụ trợ là gì? Là sản xuất mọi loại chi tiết của cái xe, sản phẩm có thể lắp thành một ôtô hoàn chỉnh. Tôi dám cá, doanh nghiệp của bạn chỉ làm vài loại chi tiết nào đó thôi chứ không làm hết mọi loại chi tiết.

Muốn có ngành công nghiệp phụ trợ thì phải có nhiều doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp chuyên chế tạo vài loại chi tiết. Tất cả các chi tiết của các doanh nghiệp ấy hợp lại lắp thành cái xe hoàn chỉnh. Còn nếu chỉ có đơn độc một vài doanh nghiệp mà tất cả sản phẩm không thể lắp thành cái xe hoàn chỉnh thì không gọi là công nghiệp phụ trợ.

Đầu tiên hết, ta phải có hãng chuyên thiết kế mẫu xe, lắp ráp, bán xe và bảo dưỡng bảo trì. VinFast, Mercedes, Toyota, ...là những hãng như vậy. Chính những hãng này sẽ đặt mua linh kiện của các hãng phụ trợ. Bạn nên lưu ý chữ "đặt". Hàng mà người ta đặt thường có kèm các thông số kỹ thuật (độ chịu mài mòn, độ chịu lực, chịu uốn xoắn, chịu nhiệt...). Những thông số này giúp đồng bộ hóa tuổi thọ của linh kiện cho phù hợp với chu kỳ bảo dưỡng sửa chữa.

Hãng phụ trợ sẽ đặt cho hãng vật liệu – luyện kim loại thép hoặc vật liệu đáp ứng những thông số đó, đem phôi thép ấy về gia công thành linh kiện. Và xin thưa với bạn, loại thép này nếu bạn không mua số lượng lớn họ sẽ không bán vì không có lời, ngoài thị trường không có đâu. Mua loại thép trôi nổi bán tự do ngoài thị trường giá nào cũng có số lượng bao nhiêu cũng bán, sản phẩm của bạn làm sao cạnh tranh nổi với hãng phụ trợ ở mấy nước phát triển về mặt chất lượng?

Ngoài ra, các hãng phụ trợ nếu cải tiến được một cụm chi tiết nào đó, họ cũng sẽ chào hàng sản phẩm của họ với doanh nghiệp lắp ráp xe. Đây mới gọi là cạnh tranh, ai cũng phải đổ tiền ra nghiên cứu để đi trước đối thủ một bước. Tôi dám cá là hãng của bạn không nghiên cứu cải tiến được cái gì, chỉ thuần túy mua vật liệu về gia công mà thôi. Như vậy làm sao cạnh tranh nổi với nước ngoài mà đòi xuất khẩu sản phẩm?

Ví dụ, doanh nghiệp của bạn chuyên sản xuất khớp chữ thập cho trục các-đăng (láp) thì bạn phải đảm bảo làm sao cho chu kỳ bảo dưỡng của nó dài hơn sản phẩm cùng loại của hãng khác, tức là sản phẩm của bạn bền hơn. Như vậy mới cạnh tranh được, mới bán được hàng, mới có nhiều hãng xe đặt hàng. Hoặc, sản phẩm khác như bơm trợ lực (thắng, tay lái), chi tiết nhanh hỏng nhất là mấy cái phốt cao su. Nếu bạn làm ra được phốt cao su bền hơn của người ta thì mọi hãng xe sẽ nườm nượp đến hãng của bạn đặt hàng.

Nghiên cứu cải tiến những thứ đó là cả núi tiền đấy. Nếu chỉ thuần túy sao chép kiểu dáng rồi gia công ra sản phẩm giống của họ về hình thức thì có khác gì hàng Trung Quốc? Công nghiệp nào cũng phải có nghiên cứu khoa học. Không có nghiên cứu khoa học làm sao cải tiến chất lượng, làm sao cạnh tranh?

Nói thật, nước ngoài không có công nghiệp phụ trợ cho xe hơi. Công nghiệp phụ trợ của họ sản xuất chế tạo mọi loại linh kiện cho mọi loại máy móc khác nhau. Hãng xe hơi chỉ là một trong rất nhiều đối tác của hãng phụ trợ thôi. Tuy nhiên, xe hơi là loại máy móc có nhiều linh kiện nhất. Cho nên, có thể nói không ngoa rằng, nếu chúng ta có ngành công nghiệp chế tạo xe hơi thì mọi loại máy móc thông thường khác chúng ta cũng làm được (bao gồm cả xe lửa cao tốc).

Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của cái xe đã không còn nhiều không gian để nghiên cứu phát triển nữa. Bây giờ người ta chạy đua nghiên cứu vật liệu. Xe càng đắt tiền càng bền, càng được chế tạo bằng vật liệu cao cấp. Xe rẻ tiền hết 15 năm là họ không sản xuất linh kiện cho đời xe đó nữa chứ xe đắt tiền, chừng nào bạn còn xài nó người ta còn bảo trì bất chấp nó được sản xuất từ đời nào.

Giảm thuế có làm cho sản phẩm của Việt Nam rẻ hơn không? Xin thưa là không, cho dù thuế suất bằng 0, nếu chúng ta cũng đổ tiền ra nghiên cứu để cạnh tranh chất lượng kỹ thuật. Bởi vì người ta đã có bề dày hàng chục năm nghiên cứu rồi, chi phí nghiên cứu của họ đã dàn trải ra cho rất nhiều đời xe và phân khúc xe.

Còn ta bây giờ mới nghiên cứu thì chi phí sẽ rất khủng. Trung Quốc, Hàn Quốc, người ta tập trung sức mạnh tài chính, sức mạnh khoa học kỹ thuật của cả nước để làm ra chiếc xe hơi có thể thương mại hóa, sau đó mới tư nhân hóa ngành xe hơi (nhà nước vẫn chiếm 30% cổ phần), người đi sau là phải như vậy.

Còn ta, dựa vào tư nhân liệu có làm được? Bây giờ là đầu thế kỷ 21 rồi chứ có phải 100 năm trước khi cái xe hơi mới được khai sinh ra đâu. Thời đó cấu tạo của cái xe hơi còn đơn giản, nhà nước không phải bỏ phí ra tài trợ nghiên cứu. Với chiến lược kinh tế lấy xuất khẩu làm nền tảng như hiện nay, tốt nhất là mua về xài, khỏi mất công nghiên cứu chi cho tốn kém và cực khổ.

image
Sản xuất phụ tùng ô tô cao cấp
Copyright @ 2021 CÔNG TY TNHH SX TM & DV PHỤ TÙNG ÔTÔ ANH TRUNG